Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nên việc sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp và các hộ nông dân gặp nhiều khó khăn, từ đó dẫn đến điều kiện phát triển kinh tế không ổn định. Để nhanh chóng hỗ trợ các hộ gia đình, cá nhân, doanh nghiệp trong thời gian khó khăn của đại dịch Covid-19. Thực hiện chủ trương của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi, phí… nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, hàng ngàn hộ vay vốn Ngân hàng Agribank trên địa bàn huyện Phước Sơn đã được hưởng lợi từ chính sách này.
Trong thời gian qua, đồng hành cùng với các doanh nghiệp và bà con nông dân, Ngân hàng Agribank chi nhánh huyện Phước Sơn, đã có nhiều giải pháp hỗ trợ nguồn vốn cho phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Đặc biệt, trước tác động của dịch Covid-19, Agribank chi nhánh huyện Phước Sơn thực hiện cơ cấu lại nợ giữ nguyên nhóm nợ đối với nhiều khách hàng vay vốn đến hạn gặp khó khăn. Đồng thời, thực hiện giảm lãi suất cho vay đối với tất cả khách hàng là tổ chức, cá nhân đang còn nợ vay (với hơn 1.300 khách hàng) và khách hàng vay mới, cụ thể:
- Đối với khoản vay có dư nợ nội bảng tại thời điểm 15/7/2021: Agribank thực hiện điều chỉnh giảm 10% lãi suất cho vay so với lãi suất cho vay đang áp dụng đối với dư nợ cho vay ngắn hạn có lãi suất từ 5%/năm trở lên và dư nợ cho vay trung, dài hạn có lãi suất từ 7%/năm trở lên.
- Đối với khoản vay phát sinh sau 15/7/2021 đến 31/12/2021, Agribank xem xét giảm tối đa 10% lãi suất cho vay so với mặt bằng lãi suất đối với từng đối tượng, lĩnh vực mà chi nhánh đang áp dụng tại thời điểm giải ngân cho đến hết 31/12/2021.
Các khách hàng của ngân hàng được xem xét cơ cấu lại thời hạn trả nợ, cho vay mới với lãi suất ưu đãi và miễn giảm lãi đều sản xuất kinh doanh có hiệu quả, trả nợ đúng kỳ hạn; không để xảy ra trường hợp nợ quá hạn đối với khách hàng được hỗ trợ do ảnh hưởng của dịch Covid-19".
Qua chính sách ưu đãi, hỗ trợ kịp thời của Ngân hàng Agribank Chi nhánh huyện Phước Sơn, nhiều doanh nghiệp, hộ nông dân vay vốn phấn khởi và người dân đều mong muốn có được sự hỗ trợ, chỉ đạo kịp thời từ phía Ngân hàng Nhà nước và sự phối kết hợp chặt chẽ của cấp ủy, chính quyền địa phương để các thủ tục cũng như chính sách được truyền tải đến bà con nông dân. Có như vậy thì việc tiếp cận nguồn vốn ưu đãi đối với người dân sẽ dễ dàng và thuận lợi hơn./.
Tin, ảnh: Đình Cuối