Chính vì vậy, để tạo điều kiện cho người nông dân được tiếp cận với khoa học kỹ thuật, phát huy tiềm năng đất đai của địa phương và phát triển nguồn dược liệu quý một cách bền vững. Tháng 11/2018, Hội Nông dân huyện phối hợp với Chương trình phát triển vùng và Công ty TNHH Trường Sơn Xanh triển khai mô hình “Trồng cây Ba kích dưới tán rừng” bằng nguồn kinh phí đầu tư của Công ty TNHH Trường Sơn Xanh, với quy mô 08 ha gồm 05 nhóm có 70 hộ tham gia, ở 02 xã Phước Xuân có 06 ha thành lập 03 nhóm gồm 40 hộ. Xã Phước Mỹ có 02 ha, thành lập 02 nhóm gồm 30 hộ tham gia.
Mô hình triển khai đến nay được 06 tháng (từ tháng 11/2018 đến tháng 04/2019). Khi tham gia mô hình, các hộ được hỗ trợ 100% tiền giống, vật tư. Giống trồng trong mô hình là giống sản xuất bằng phương pháp nuôi cấy mô ươm trong bầu, cây giống đồng đều, chiều cao đạt từ 25 cm trở lên.
Để thực hiện mô hình thành công, Hội Nông dân huyện cùng với Chương trình phát triển vùng và Trung tâm KTNN huyện, phối hợp với chính quyền địa phương tiến hành chọn được các hộ nông dân có đủ điều kiện tham gia, tổ chức khảo sát địa bàn, tập huấn chuyển giao công nghệ, hướng dẫn kỹ thuật cho bà con nông dân.
Xác định đây là mô hình mới, lần đầu tiên triển khai trên địa bàn huyện, các hộ chưa có kinh nghiệm và kỹ thuật. Vì vậy, trong quá trình thực hiện, cán bộ kỹ thuật và Hội Nông dân huyện thường xuyên đến cơ sở bám sát mô hình, kiểm tra, hướng dẫn kỹ thuật cho bà con nông dân, qua đó các khâu kỹ thuật trong mô hình được thực hiện đúng yêu cầu, mật độ trồng đảm bảo 2.000 cây/ha, chăm sóc, bón phân đầy đủ đúng thời điểm.
Đến nay, qua 6 tháng triển khai cho thấy, cây Ba kích trong mô hình sinh trưởng tốt, tỷ lệ sống đạt trên 85%. Các hộ tham gia mô hình đã tin tưởng, nắm được kỹ thuật trồng cây Ba kích dưới tán rừng, áp dụng vào thực tiễn đạt hiệu quả.
Qua tham khảo ý kiến của chính quyền địa phương và các hộ nông dân thực hiện mô hình, trồng cây Ba kích dưới tán rừng là mô hình dễ làm, phù hợp với điều kiện tự nhiên và phương thức canh tác trên địa bàn xã. Mô hình đã góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng tại địa phương. Với giá trị kinh tế cao trên thị trường hiện nay, đây là mô hình hứa hẹn sẽ đem lại hiệu quả, góp phần phát triển kinh tế vườn rừng, nâng cao đời sống, xoá đói giảm nghèo cho các hộ nông dân./. Đình Cuối