Đây là năm thứ 7 liên tiếp nhà trường tổ chức hoạt động này nhằm giáo dục các em học sinh về bản sắc văn hóa của dân tộc, từ đó bảo tồn và phát huy nét văn hóa đặc trưng ở địa phương.
Cũng như mọi năm, khi có kế hoạch tổ chức lễ hội tết mùa của nhà trường, các khối lớp phân công cho học sinh tham gia các hoạt động trong lễ hội. Với năng khiếu cũng như kinh nghiệm học hỏi gói bánh sừng trâu hay còn gọi là bánh Woat từ mẹ và những người chuyên gói bánh của thôn, năm nay em Hồ Thị Phái, lớp 10/1 được chọn tham gia thi gói bánh. Để làm những chiếc bánh sừng trâu chất lượng, em Hồ Thị Phái đã cùng với các bạn trong lớp chuẩn bị những nguyên liệu như nếp, lá dong, lạt rất kỹ lưỡng. Vừa hoàn thành phần thi của lớp, em Hồ Thị Phái cho biết: “đây là năm thứ 2 em tham gia lễ hội tết mùa của trường. Ở xã em được xem mẹ và các cô chú trong xã gói bánh nên em biết được kỹ thuật làm bánh, phải chọn lá dong nhỏ, lạt chẻ thật mỏng gói bánh mới đẹp. Hôm nay được trực tiếp tham gia gói bánh em cảm thấy rất vui và tự hào, em mong muốn tiếp tục gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc trong trường học”.
Trong khuôn khổ lễ hội, nhiều hoạt động diễn ra, như: thi gói bánh, nấu bánh sừng trâu, nướng cơm lam, thi trò chơi dân gian, đánh và nhảy múa theo điệu cồng chiêng, thi ẩm thực. Ngoài ra còn liên hoan văn nghệ góp thêm cho lễ hội những sắc màu văn hóa truyền thống đậm chất dân tộc. Có thể thấy, lễ hội tết mùa được thể hiện khá đầy đủ các nghi lễ ăn tết mùa của bà con dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện, tạo không khí thân thiện, gần gũi như ở địa phương của các em, góp phần giáo dục, bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa của các dân tộc. Đây cũng là dịp thực hiện tốt phong trào xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực, góp phần tăng cường tình đoàn kết giữa các thành phần dân tộc anh em đang sinh sống, học tập dưới mái trường này. Cô giáo Phạm Thị Thứ, hiệu trưởng trường PTDTNT huyện Phước Sơn chia sẻ thêm “dù đây là năm thứ 7 trường tổ chức lễ hội tết mùa các dân tộc thiểu số nhưng với sự linh hoạt trong quá trình tổ chức các hoạt động, thay đổi theo từng chủ đề như đánh cồng chiêng, ẩm thực hay các sưu tầm các hiện vật văn hóa nên tạo sự thích thú cho các em học sinh chứ không bị nhàm chán. Qua 7 năm tổ chức chúng tôi thấy các em rất có ý thức trong việc gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc mình”.
Lễ hội tết mùa các dân tộc thiểu số năm học 2017-2018 được khép lại trong không khí vui tươi, ấm áp của buổi giao lưu ẩm thực, đốt lửa nhảy cồng chiêng. Có thể nói, trong khi nhiều nét văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện Phước Sơn đang có nguy cơ bị mai một, mất đi bản sắc văn hóa truyền thống thì với việc tổ chức lễ hội tết mùa các dân tộc trong trường học mà trường PTDTNT huyện Phước Sơn đã và đang triển khai thực hiện góp phần gìn giữ và tôn vinh bản sắc văn hóa các dân tộc trên địa bàn huyện./.
Thanh Thảo.